“Làm mới” nghề làng trống Lâm Yên

0012_trong_chua_trong_lam_yen

Làng Trống Lâm Yên

Trải hơn 200 năm với nhiều phen thịnh- suy, làng trống Lâm Yên, thôn Ấp Nam, xã Đại Minh (Đại Lộc) đang nỗ lực “làm mới” mình để tồn tại.

“Giải cứu” làng nghề

Trống Lâm Yên, làng nghề truyền thống vang danh một thời với câu “nhất trống Lâm Yên – nhì chiêng Phước Kiều” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền thương hiệu, song sản phẩm lại không đủ sức cạnh tranh trước sự khốc liệt của thị trường… Để vực dậy làng nghề trước nguy cơ mai một, nhiều hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư phát triển làng nghề đã được triển khai. Ông Võ Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho hay, Hợp tác xã (HTX) Làng nghề trống Lâm Yên được thành lập với chủ trương thu hút nghệ nhân tham gia sản xuất tập trung. Từ nguồn Quỹ Khuyến công của Sở Công thương, nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề đã được xúc tiến. Năm 2012, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc hỗ trợ HTX 50 triệu đồng đầu tư cơ sở sản xuất tập trung. Sản phẩm trống, mõ của làng nghề được hỗ trợ đưa đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu. Để giúp nghệ nhân rút ngắn bớt công đoạn và thời gian chế tác, cũng từ nguồn khuyến công, hơn 200 triệu đồng đã được hỗ trợ cho xã viên phục vụ mua sắm máy móc, công nghệ phục vụ chế tác như: máy cưa vòng, bào, tiện, khoan… “Nhìn chung, nguồn hỗ trợ phát triển làng nghề dẫu chưa nhiều song cũng phần nào giúp tháo gỡ bớt khó khăn cho làng nghề. Đó là động lực quan trọng khích lệ nghệ nhân kiên tâm giữ nghề truyền thống cha ông” – ông Võ Ba cho hay.

img_7406

Năm 2014, nguồn quỹ này lại tiếp tục hỗ trợ làng nghề 75 triệu đồng đẩy mạnh khâu tiếp thị. Địa phương cũng tính tới việc xây dựng nhà trưng bày trên diện tích 400m2 tại Lâm Yên phục vụ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Bản thân làng nghề đã nỗ lực làm mới mình, đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã và chủng loại sản phẩm. Nếu trước, sản phẩm chủ yếu là các loại trống dăm ghép, trống bát nhã, cung phu, trống chầu, trống lệnh, trống nhạc… thì nay, Lâm Yên đã có thêm dòng trống dăm liền (dăm luông) với kích thước to lớn, được chế tác bằng kỹ thuật tinh xảo, chất liệu tốt, có thanh âm hay và tuổi thọ cao… Không chỉ vậy, sự xuất hiện của một vài cơ sở khảm chạm tại Lâm Yên đã tiếp lửa để giúp các nghệ nhân có thể sống và tồn tại được với nghề.

Hồi sinh

Những năm gần đây, dẫu thị trường có hẹp dần song trống Lâm Yên vẫn giữ được chỗ đứng riêng. Trống dăm luông Lâm Yên là thế mạnh mà không một nơi nào có được. Hiện, Lâm Yên có 3 hộ chuyên chế tác trống dăm liền, vốn là một loại trống đại, các công đoạn phần lớn làm theo kiểu thủ công, kỹ thuật chế tác cao, có tuổi thọ và chất lượng tốt. Cơ sở trống dăm liền của anh Phan Văn Hiệp, Chủ nhiệm HTX Làng nghề trống Lâm Yên mỗi năm đưa ra thị trường 30 – 40 chiếc. Tại cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam mới đây, bộ trống dăm liền dài 2m, đường kính 1,2m của anh Phan Văn Hiệp đã được ban tổ chức trao giải C vì tính độc đáo của sản phẩm. “Tôi đã và đang tạo ra bộ trống dăm liền gồm 3 cái trống kỷ lục lớn nhất từ trước tới nay với đường kính 1,8m, dài 3m. Việc tạo ra bộ ba trống dăm liền khủng này như một dấu ấn của làng nghề, góp phần mang thương hiệu trống Lâm Yên bay xa, không chỉ trong mà còn ngoài nước” – anh Phan Văn Hiệp chia sẻ.

Để tạo ra chiếc trống khủng này, anh Hiệp phải mất một năm tìm kiếm nguyên liệu gỗ làm dăm trống. Đi khắp vùng Tây Nguyên, anh mới tìm được cây gỗ sao cát ưng ý ở Kon Tum có đường kính thân lên tới 2,4m. Khi đã có giấy chứng nhận hợp pháp, anh và nhóm thợ phải lặn lội vào tận rừng sâu cưa, đục đẽo rồi vận chuyển về. Để tránh sự co giãn của thớ gỗ, ảnh hưởng đến chất lượng mặt trống và âm thanh, tuổi thọ của trống, gỗ được vận chuyển về phải để khô một thời gian mới tiến hành công đoạn làm nguội (tức khung và vỏ trống). Sau đó mới chuyển ra Đà Nẵng làm niềng trống và các công đoạn còn lại để bàn giao cho chùa. Dự kiến, với sự tỉ mỉ, công phu trên, chiếc trống khủng có một không hai này có trị giá lên tới hơn 500 triệu đồng.

Không chỉ chế tác, cơ sở của anh Hiệp còn nhận gia công, cung ứng vỏ trống khi khách hàng có yêu cầu. “Ngoài thời gian làm trống, tôi còn đi tiếp thị tại các chùa, các nhà thờ lớn ở miền Trung và Nam. Khi đã tạo được uy tín trên thị trường, nhiều chỗ đã liên hệ cơ sở tôi đặt mua trực tiếp hoặc chỉ cần điện thoại đặt theo quy cách, khi xong hàng, chúng tôi sẽ gửi đến tận nơi cho khách” – anh Hiệp chia sẻ. Không chỉ anh Hiệp, một số cơ sở cũng đã chủ động đi tìm thị trường, như cơ sở anh Phan Văn Thiệp, Phan Sự, Phan Văn Thiện… Thương hiệu trống Lâm Yên đã vang danh xa gần, song việc phát triển thương hiệu và nuôi sống làng nghề là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh nhiều giải pháp căn cơ, khuyến khích phát triển bền vững, sự vận động tự thân của nghệ nhân, “linh hồn” của làng nghề là yếu tố hết sức quan trọng.

Theo Bích Liên Báo Quảng Nam

Làng Trống Lâm Yên

Làng Trống Lâm Yên

0001_trong_chua_trong_lam_yen

Làng Trống Lâm Yên

TTCT – Cho đến nay dòng họ Phan ở làng Lâm Yên, nay là thôn Ấp Nam, xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), đã có bảy đời làm nghề trống.

01p7oovr8c

Sau khi hoàn thành một chiếc trống, người thợ phải đánh vài hồi trống để thẩm âm

Theo con cháu trong dòng họ này, cách đây hơn 200 năm, ông Phan Công Thiên từ Hải Dương theo đoàn người di dân vào khai phá miệt vườn ở Quảng Nam đã dừng chân tại Lâm Yên lập dòng họ và phát triển làng nghề làm trống trên mảnh đất này. Từ đó đến nay đời sau tiếp nối đời trước, con cháu dòng họ Phan đã mang tiếng trống đến với nhiều vùng trên cả nước, làm nên thương hiệu trống Lâm Yên.

Người dân xứ Quảng vẫn còn lưu truyền trong dân gian câu nói “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều” để chỉ sự nổi tiếng của làng làm trống bậc nhất miền Trung. Hiện có hơn 20 hộ gia đình trong dòng họ Phan đang giữ nghề của tổ tiên để lại.

Sở dĩ làng trống Lâm Yên sống được và trở thành thương hiệu từ xưa đến nay là nhờ vào chất lượng âm thanh và độ bền của trống. Ông Phan Văn Mười, chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề thủ công mỹ nghệ Lâm Yên, cho biết một cái trống được gọi là hoàn hảo phải đạt yêu cầu vừa tròn đẹp vừa có tiếng kêu hay.

Trống chầu (trống lớn nhất) phải lấy cho được tiếng “bầm”, còn các loại trống nhỏ phải lấy cho được tiếng “tang”. Và để làm được một chiếc trống như vậy đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, tỉ mỉ từ khâu chọn lựa đến khâu bịt trống.

Mùa đắt khách của nghề trống là vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Hai tháng này có nhiều lễ cúng tế nên nhiều người đến đặt trống. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trống Lâm Yên đã vươn ra các thị trường khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành.

022k8u6gto

Trải qua bảy đời làm trống với bao nhiêu thăng trầm, con cháu dòng họ Phan ở Lâm Yên vẫn sống được bằng nghề của tổ tiên. Hiện nay thợ làm trống của dòng họ Phan có thể chế tác 12 loại trống, trong đó nổi tiếng là trống chầu, trống lệnh, trống lân, trống chiên, trống chùa

032cbkpfvh

Ông Nguyễn Ánh Chín (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vừa mua chiếc trống chầu dăm ghép Lâm Yên trị giá 1,2 triệu đồng để phục vụ trong các buổi lễ của dòng họ

04ocae5mej

Do sự phát đạt của nghề này nên nhiều người ngoài dòng họ Phan đã xin vào học về mở xưởng, nâng tổng số hộ làm trống ở Lâm Yên lên gần 40 hộ. Trong ảnh là anh Ngô Tân, một thợ mộc mới chuyển sang làm trống, đang làm chiếc trống chầu dăm liền cỡ lớn

05zjqo9kxo

Giậm đạp để căng da trống

06iqzvcxgj

Đóng từng cọc tre vào khung trống để giữ cho mặt trống cố định, không bị bong tróc khi đánh

07yiyykych

Lớp lông trâu trên mặt trống được cạo để tạo mặt trống nhẵn và tiếng trống vang hơn

08jjaezerp

Giờ đây khi những “cây cổ thụ” của dòng họ đã đến tuổi cổ lai hi, từng lớp trẻ của dòng họ Phan tiếp tục được ông cha truyền lại nghề làm trống của tổ tiên đã có từ lâu đời. Trong ảnh là ông Phan Văn Hai, 62 tuổi, người lớn tuổi nhất của dòng họ, dạy các cháu làm trống

Làng Trống Lâm Yên

Theo tuoitre.vn